Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững: Lấy Chương trình OCOP làm trọng tâm phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tạo ra nền tảng vững chắc để giai đoạn 2021-2025 kế thừa, vận dụng, đưa chương trình trở thành trọng tâm trong phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM).
Bên cạnh đó, qua 3 năm thực hiện, chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, như: các làng nghề truyền thống ở các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn... Một số sản phẩm OCOP đã khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: lá ngâm chân Mộc Việt (Quảng Xương), tinh dầu sả chanh (Thạch Thành), rượu Sâm Báo (Vĩnh Lộc), nếp hạt cau Lộc Thịnh (Vĩnh Lộc), chè xanh sạch Bình Sơn (Triệu Sơn)... Qua việc hình thành những sản phẩm OCOP, phương thức sản xuất từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, nhất là gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, hình thành được hàng trăm chuỗi giá trị sản phẩm OCOP hoạt động hiệu quả với vai trò tích cực của HTX và doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực chương trình, ngay sau khi Quyết định số 5363/QĐ-UBND ngày 28-12-2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Đề án Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa, sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai chu trình OCOP gắn với trách nhiệm cụ thể của từng địa phương, đơn vị và tổ chức. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 69 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, vượt mục tiêu đề án (theo đề án, giai đoạn 2018-2020 có ít nhất 1 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp quốc gia, 10 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, 30 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp huyện). Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được các sở, ngành triển khai thực hiện hiệu quả, như: tổ chức các hội chợ, triển lãm; vận động, khuyến khích các chủ thể OCOP tham gia triển lãm được tổ chức tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, cân đối nguồn kinh phí, ngân sách để hỗ trợ phát triển các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP... góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP tỉnh Thanh Hóa trên thị trường.
Bên cạnh đó, qua 3 năm thực hiện, chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, như: các làng nghề truyền thống ở các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn... Một số sản phẩm OCOP đã khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: lá ngâm chân Mộc Việt (Quảng Xương), tinh dầu sả chanh (Thạch Thành), rượu Sâm Báo (Vĩnh Lộc), nếp hạt cau Lộc Thịnh (Vĩnh Lộc), chè xanh sạch Bình Sơn (Triệu Sơn)... Qua việc hình thành những sản phẩm OCOP, phương thức sản xuất từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, nhất là gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, hình thành được hàng trăm chuỗi giá trị sản phẩm OCOP hoạt động hiệu quả với vai trò tích cực của HTX và doanh nghiệp.
Nhiều lao động trong nghề trồng chè truyền thống tại xã Bình Sơn (Triệu Sơn) được nâng cao thu nhập, ổn định đời sống khi tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm OCOP của HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn. Ảnh: Lê Hòa
HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn) là một trong những chủ thể đầu tiên có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Từ việc duy trì, phát triển sản phẩm chè và mật ong đã có từ nhiều đời của địa phương, HTX đã tập hợp hàng trăm hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sản xuất theo một tiêu chuẩn đã được đăng ký và thu mua, bao tiêu sản phẩm cho các hộ. Sau thời gian ngắn xây dựng sản phẩm OCOP, HTX đã liên kết được hơn 20 hộ sản xuất chè, với tổng diện tích hơn 30 ha. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và sao chè, tuân thủ sản xuất theo quy trình an toàn. HTX cũng liên kết với Nhà máy sắn Phúc Thịnh ở huyện Ngọc Lặc để nhập chất thải bã sắn trộn phụ gia làm phân bón cho cây chè. Không có các chất kích thích phát triển, không bón phân hóa học, tuân thủ quy trình theo yêu cầu của HTX... đã tạo nên uy tín cho sản phẩm chè Bình Sơn trên thị trường. Cùng với đó, ở sản phẩm mật ong, HTX cũng liên kết với 400 hộ trong xã để có sản phẩm liên tục, số lượng lớn cung cấp cho thị trường. Ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn, cho biết: Sản xuất theo chu trình OCOP cần sự chủ động, hợp tác chặt chẽ giữa các hộ sản xuất. Do đó, HTX đã liên kết những hộ đủ điều kiện về quy mô, khả năng ứng dụng khoa học - kỹ thuật để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Sau hơn 3 năm tham gia vào chuỗi liên kết, hầu hết các hộ đã được nâng cao quy trình kỹ thuật, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi thị trường rộng mở, người sản xuất có cơ hội mở rộng quy mô, gia tăng năng suất nên thu nhập cũng cao hơn. Từ việc phát triển sản phẩm chè và mật ong truyền thống, trong xã đã có nhiều hộ khá giả hơn, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người, đó chính là điều kiện tốt để địa phương huy động nguồn lực xây dựng NTM.
Là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP thứ 2 trên địa bàn tỉnh, bên cạnh việc khơi dậy tiềm năng về thủy sản và hậu cần nghề biển, huyện Hoằng Hóa đã hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể có tiềm lực, khả năng mở rộng mô hình sản xuất, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng của sản phẩm tham gia vào chương trình. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hoằng Hóa, cho biết: Ngay từ những ngày đầu triển khai Chương trình OCOP, huyện đã lựa chọn các sản phẩm truyền thống để làm trọng tâm phát triển, tạo động lực, hình mẫu cho các chủ thể tham gia, hưởng ứng. Từ năm 2018, khi chương trình triển khai, huyện Hoằng Hóa đã có 3 sản phẩm mắm tôm, mắm tép và nước mắm của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia đạt chất lượng 4 sao. Với những nghề du nhập có tiềm năng, địa phương cũng hỗ trợ, khuyến khích để các chủ thể phát triển theo chu trình OCOP. Từ đó, năm 2020, huyện có thêm 3 sản phẩm là đông trùng hạ thảo Lạch Trường, rượu đông trùng hạ thảo Lạch Trường và dưa hấu đồng quê được chứng nhận 3 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Có thể khẳng định rằng, Chương trình OCOP đã góp phần nâng tầm sản phẩm địa phương, đưa người dân tiếp cận với những tư duy mới trong tổ chức sản xuất, liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Khảo sát thực tế tại hầu hết các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, cho thấy, chương trình đã góp phần tạo việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nhất là tạo điều kiện để lao động nông thôn trong thời gian nông nhàn. Điển hình như, các chủ thể OCOP tại huyện Nga Sơn đã tạo việc làm cho khoảng 750 lao động trực tiếp; các chủ thể OCOP của huyện Hoằng Hóa tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 500 lao động; hơn 200 lao động tại xã Bình Sơn (Triệu Sơn) tham gia sản xuất các sản phẩm OCOP; nghề làm bánh gai tại xã Thọ Diên (Thọ Xuân) tạo việc làm trực tiếp cho 395 lao động và hàng trăm lao động thu nguyên vật liệu làm bánh... Từ đó thu nhập, đời sống của người dân ngày càng nâng cao, đã góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí Kinh tế và tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM.
Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM, cho biết: Thực chất, OCOP là một chương trình trọng tâm góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo hướng gia tăng giá trị. Để có được sản phẩm OCOP, chủ thể sản xuất phải biến sản phẩm của khu vực thành sản phẩm hàng hóa gắn với cơ chế thị trường, có ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến và có đầu tư quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm theo các chuỗi giá trị. Do đó, chỉ cần được công nhận là sản phẩm OCOP thì quá trình sản xuất đã được đầu tư theo quy mô nhất định, có đầu tư công nghệ vào sản xuất góp phần CNH, HĐH khu vực nông thôn và ứng dụng công nghệ 4.0 vào kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Trên cơ sở kinh nghiệm triển khai chương trình giai đoạn 2018-2020, tỉnh ta đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 467 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và 5 sản phẩm OCOP quốc gia. Với sự đa dạng về địa hình, khí hậu, bản sắc văn hóa nên tỉnh Thanh Hóa hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm đặc hữu, đặc sản mang tính vùng miền và ngành nghề truyền thống. Do đó, mục tiêu 467 sản phẩm OCOP cấp tỉnh là hoàn toàn phù hợp và có tính khả thi cao. Để thực hiện được mục tiêu đó, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM đã và đang hỗ trợ các địa phương xây dựng khung Chương trình OCOP phù hợp với tiềm năng và lợi thế, huy động sự tham gia của các chủ thể kinh tế, các cấp, các ngành trong triển khai chương trình; tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP. Trong đó, chú trọng khuyến khích các chủ thể tham gia các hội chợ, triển lãm gắn với các chương trình, hội chợ sản phẩm OCOP thường niên cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; trong đó, có chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP...
Là một chương trình mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là yêu cầu khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Do đó trong quá trình phát triển, chương trình còn bộc lộ những nhược điểm, như: nhiều địa phương, chủ thể còn lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng; chủ thể sản xuất mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, nhất là tại các làng nghề truyền thống. Nhiều chủ thể chưa hiểu rõ về định hướng, yêu cầu của chương trình, nhất là các quy định của pháp luật trong sản xuất và phân phối sản phẩm... Tuy nhiên, với sự phát triển đa dạng về sản phẩm, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương và các chủ thể chính là cơ sở để chương trình phát triển ổn định, bền vững, tạo sức lan tỏa và trở thành trọng tâm thúc đẩy sản xuất ở khu vực nông thôn, góp phần xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
- Thanh Hóa xây dựng sản phẩm OCOP lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu, không chạy theo số lượng
- Sản phẩm OCOP Thanh Hóa hướng đến thị trường quốc tế: Chất lượng là "chìa khóa vàng"
- Phát triển du lịch nông thôn gắn với đặc trưng vùng miền
- Kỳ vọng phát triển sản phẩm OCOP 4 sao
- Kỳ vọng từ những mô hình HTX nông nghiệp, du lịch sinh thái
- Khai trương chuyên trang OCOP - Mỗi xã một sản phẩm trên Báo Nhân Dân
- Khai trương trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hoá năm 2023
- Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn kiểm tra công tác chuẩn bị trưng bày các gian hàng kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa 2023
- Nhiều địa phương loay hoay xây dựng sản phẩm OCOP
- Chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu và trưng bày giới thiệu các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa, năm 2023