date
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN NÔNG THÔN MỚI TỈNH THANH HÓA

Kết nối sản phẩm OCOP với du lịch: Trúng và đúng

Đăng lúc: 08:51:37 21/08/2021 (GMT+7)

Với thương hiệu đã được xây dựng từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đây được xem là sản phẩm bổ trợ, góp phần làm đa dạng, phong phú thêm cho hoạt động du lịch. Mặt khác, thông qua hoạt động du lịch để quảng bá sản phẩm OCOP rộng rãi đến người dân, du khách gần xa. Do đó, việc kết nối sản phẩm OCOP với du lịch được xem là việc làm vừa trúng, vừa đúng.

Một mũi tên trúng hai đích

Huyện Nga Sơn là một trong những địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch, với nhiều điểm đến hấp dẫn như: Động Từ Thức (xã Nga Thiện), đền thờ Mai An Tiêm (xã Nga Phú), cửa Thần Phù (xã Nga Điền), Khu Di tích lịch sử chiến khu Ba Đình (xã Ba Đình)... Đây cũng là địa phương xây dựng và phát triển thành công nhiều sản phẩm OCOP như: chiếu dệt thủ công Ngân Khương, đệm trải sàn cói Ngân Khương, chiếu xách tay, hộp đựng đồ, túi du lịch (Công ty TNHH Ngân Khương, xã Nga Thanh); đông trùng hạ thảo tươi Đăng Khoa, rượu đông trùng hạ thảo Đăng Khoa (cơ sở sản xuất, kinh doanh đông trùng hạ thảo Đăng Khoa, thị trấn Nga Sơn); dưa lưới Vạn Hoa (Công ty CP Nông nghiệp Vạn Hoa, xã Nga Thạch); bình hoa bằng cói, bộ rổ cói 3 chiếc (Công ty CP Sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh, xã Nga An); giỏ trái đất, đôn cói (Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang, thị trấn Nga Sơn)... Kể từ năm 2019 đến nay, cùng với đẩy mạnh hoạt động sản xuất, các cơ sở, hộ sản xuất cũng đã chủ động đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với khách du lịch, tích cực tham gia các kênh xúc tiến, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Bà Mai Thị Yến, Giám đốc Công ty TNHH Ngân Khương (xã Nga Thanh) cho biết: “Cùng với việc quảng bá sản phẩm qua các kênh thông tin truyền thông, tham gia các hội chợ, xúc tiến...; thời gian gần đây, doanh nghiệp đã chủ động đấu mối với địa phương đưa khách đến tham quan, mua sắm sản phẩm. Đến nay, đã có một số đoàn khách từ các địa phương khác đến tham quan, học tập kinh nghiệm; khách đến tham quan các điểm du lịch trên địa bàn huyện, kết hợp tham quan, mua sắm các sản phẩm của doanh nghiệp. Hy vọng, với sự phát triển của du lịch, cơ sở chúng tôi sẽ là điểm đến của du khách; đồng thời các sản phẩm từ cói của vùng đất Nga Sơn sẽ được quảng bá rộng rãi tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh”.

Để sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa được đông đảo người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài nước biết đến, tin dùng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã có Công văn số 2619/SVHTTDL-QLDL (ngày 6-8-2020) gửi ban quản lý (BQL) các khu, điểm du lịch và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh về việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP đến khách du lịch. Sở VHTT&DL đề nghị BQL các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh phối hợp tuyên truyền, quảng bá đến khách du lịch các sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời ưu tiên tiêu dùng, sử dụng, trưng bày, bán sản phẩm OCOP; hoặc tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất được gửi các ấn phẩm, vật phẩm để tuyên truyền quảng bá, giới thiệu và chào bán các sản phẩm OCOP tại các khu, điểm du lịch, doanh nghiệp dịch vụ du lịch để quảng bá tới du khách.

Cần có sự đầu tư, định hướng cụ thể

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sản phẩm được công nhận, phù hợp là điểm đến tham quan, cung ứng sản phẩm phục vụ khách du lịch như: nước mắm, mắm tôm, mắm tép Lê Gia (Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia, huyện Hoằng Hóa); rượu Chi Nê (Công ty CP Thương mại Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc); bánh gai Lâm Thắm (cơ sở sản xuất bánh gai Lâm Thắm, huyện Thọ Xuân); tinh dầu sả chanh (Công ty TNHH Sản xuất thương mại tinh dầu Minh Hồng, huyện Thạch Thành); rượu sâm Báo (cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu An Tâm, huyện Vĩnh Lộc); kẹo lạc, kẹo gạo lức Đức Giang (Công ty TNHH Đức Giang, huyện Thọ Xuân); đông trùng hạ thảo tươi Đăng Khoa (cơ sở sản xuất, kinh doanh Đăng Khoa, huyện Nga Sơn); trà Hoàng Thảo Mộc, trà cà gai leo (Công ty TNHH Hoàng Thảo Mộc, TP Thanh Hóa...

Theo anh Hoàng Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thảo Mộc (TP Thanh Hóa) cho biết: “Trong thời gian qua, cùng với việc nỗ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, công ty cũng đã đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường; đồng thời tiếp cận người tiêu dùng cũng như du khách thông qua các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn TP Thanh Hóa. Để phục vụ du khách làm quà, chúng tôi đã nghiên cứu quy cách đóng gói sản phẩm cho phù hợp, giá thành hợp lý. Cùng với các sản phẩm hiện có, chúng tôi đã và đang nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm liên quan đến thảo mộc, đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện để được công nhận là sản phẩm OCOP”.

Tuy nhiên, để các cơ sở sản xuất, kinh doanh trở thành điểm đến tham quan, mua sắm hấp dẫn khách du lịch lại cần thêm nhiều yếu tố. Cũng theo anh Hoàng Văn Nam, các cơ sở cần có sự định hướng cụ thể từ phía cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch từ việc đóng gói, xây dựng sản phẩm phù hợp với hoạt động du lịch, cho đến đầu tư cơ sở vật chất, phù hợp là điểm đón tiếp. Đồng thời tạo điều kiện giao lưu, kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến trên địa bàn tỉnh, chính quyền địa phương với cơ sở sản xuất; tập huấn nghiệp vụ du lịch cho các cơ sở sản xuất... để có thể trở thành một điểm đến hoàn thiện, hấp dẫn du khách.

Thực tế, nhiều địa phương trong cả nước đã rất thành công trong cách làm này, biến những làng nghề, cơ sở sản xuất thành những điểm đến tham quan du lịch hấp dẫn, những sản phẩm OCOP trở thành sản phẩm du lịch được ưa chuộng như: lụa tơ tằm Hà Đông, nón lá Huế, nước mắm Phú Quốc... Để việc kết nối sản phẩm OCOP với hoạt động du lịch thực sự mang lại hiệu quả, trước mắt cần có nhiều chương trình quảng bá OCOP phục vụ khách du lịch; tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP ở các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; đưa sản phẩm OCOP phù hợp là đặc sản, đặc trưng vùng miền vào các điểm bán hàng đạt chuẩn phục vụ du lịch, các trung tâm thương mại, các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch có sức hút lớn với du khách.

Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
12283